Saturday, March 3, 2012

Thiên Đàng Của......

Vì là hàng xóm đối mặt trong khu low income apartment, nên vô ra chúng tôi quen chú Vượng.  Chú là người Bắc, đạo Công Giáo, năm 1954 di cư vào nam trốn họa cộng sản. Chú rất sùng đạo, cuối tuần gia đình đều ăn mặc tươm tất để đi nhà thờ.
Mỗi đêm cả nhà chú đều tập họp đọc kinh trước khi đi ngủ. Mặc dù không có đạo nhưng tôi cảm thấy một sự trang nghiêm mỗi khi nghe nhà chú đọc kinh, lúc đó bên gia đình chúng tôi đều giữ im lặng.
Năm 1978, khu low income apartment tại đường Santee Drive thuộc thành phố San Jose rất đông người Việt, tất cả đều là tỵ nạn cộng sản. Vì đồng cảnh ngộ, cho nên mọi người rất quý mến nhau, trước lạ sau quen, sau đó trở nên thân thiết đến độ la cà sang nhà hàng xóm mà không cần phải báo trước.
Một buổi sáng cuối tuần, vì là ngày nghỉ nên mọi sinh hoạt đều chậm hẳn lại. Tôi thức dậy trể hơn bình thường, mở cửa trước ra ngoài hành lang châm thuốc hút. Lúc đó chú Vượng cũng vừa mở cửa bước ra. Gặp chú tôi chào:
“Chào chú Vượng.”
Chú tươi cười trả lời:
“Chào anh, hôm nay không đi làm?”
“Dạ phải, Chúa Nhật mà chú.”
Chú Vượng cười cười, định trở vô nhà, nhưng rồi chú đứng khựng lại nói:
“ À quên nói với anh là Thứ Bảy tuần tới, mời gia đình anh sang nhà tôi dùng trà, tôi gả con gái đó, lễ đính hôn.”
“Vậy hả chú, Loan hả? Bình phải không?”
Tôi hỏi liên tục vì biết Loan và Bình có đi lại với nhau. Chú Vượng nói tiếp:
“Thì làm cho xong, để còn lo đứa khác.”
“Phải đó chú, giữ bom nổ chậm trong nhà đứt tim lắm.”
Tôi cười, chú Vượng cũng cười theo, đồng thời nhắc nhở tôi thêm vài lần trước khi trở vô nhà...
-----
Tôi và gia đình thằng bạn bước sang nhà chú Vượng. Nhờ mấy cây đèn cầy thắp sáng, bàn thờ nhà chú hôm nay trông thật trịnh trọng. Bức hình Chúa Jesus nổi bật ngay giữa bàn thờ. Tượng Đức Mẹ hiền dịu đứng kế bên. Vài bức ảnh của người lớn tuổi cũng được bày ra, tôi đoán là những ông bà đã khuất của chú.
Chú Vượng mặc một bộ đồ vest khá rộng, tôi nghĩ có thể chú mượn của ai, hoặc có thể là mua cũ ở một thrift shop nào đó. Đầu năm 1978, người tỵ nạn còn nghèo rớt mồng tơi, nên tiền đâu mà mua đồ vest sang trọng. Cả tôi và thằng bạn cũng chỉ mặc áo sơ mi chứ làm gì có áo vest mà mặc!
Tất cả chỉ có khoảng tám người làm khách, với bấy nhiêu người đó cũng đã làm chật ních cái apartment của chú Vượng rồi.
Loan và Bình trông rực rỡ hẳn ra. Có lẽ hai cô cậu tốn khá nhiều tiền cho quần áo mới.
Vì Bình một mình rời khỏi VN ngày 30 Tháng Tư, nên đàng trai chẳng có ai. Chú Vượng phải đóng vai đại diện cho cả hai bên.Trông chú lăng xăng vừa cười vừa lúng túng vì sắp có rể. Trà bánh được bày ra để mọi người thưởng thức. Mọi người chuyện trò vui vẻ, mọi thủ tục rườm rà đều được bỏ qua chẳng ai câu nệ tiểu tiết...
-
Rồi thì đang lúc vui cười với mọi người, mặt chú Vượng bỗng đổi sắc khi một thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi rón rén bước vào. Mọi người cảm thấy có chuyện bất thường từ gương mặt của chú nên tất cả cùng lúc im bặt. Không khí trở nên nặng nề trong một phút. Người con trai khúm núm chắp hai tay thòng xuống, gương mặt ra vẻ sợ hãi.
“Mày đến đây để làm gì?” Chú Vượng bắt đầu lên tiếng.
“Dạ, dạ, con...” Người thanh niên ấp úng nói không ra lời.
“Tao đã nói là tao không còn muốn thấy mặt mày nữa mà.”
Im lặng hoàn toàn.
“Thế thì mày còn đến đây để làm gì? Đồ bất hiếu?”
Chú Vượng gằn giọng từng tiếng. Người thanh niên cố gắng im lặng, nhưng rồi không kềm được nữa, òa lên khóc nức nở, anh ta quỳ xuống:
“Mẹ và em Lan chết rồi chú ơi!”
Chú Vượng đang giận dữ, bỗng há hốc:
“Long, mày nói gì? Chị và cháu Lan...”
Người con trai ấy là Long, cháu ruột của chú, con trai của anh Thịnh. Chú Vượng không còn bình tĩnh nữa, chộp lấy hai vai Long lắc mạnh:
“Tại sao? Tại sao lại chết? Hồi nào?”
Chú hỏi một hơi, nét mặt không còn bình tĩnh nữa, tay vẫn giữ chặt hai vai của Long.
“Mẹ đi vượt biên... bị hải tặc giết... em Lan bị chúng nó bắt mất... Con biết lỗi rồi..., con biết lỗi rồi chú ơi... Chú tha tội cho con, chú tha tội cho con.”
Tiếng nói của Long đứt đoạn lồng trong tiếng nấc, sau đó rống lên từng hồi thảm thiết.
Chú Vượng buông thõng hai tay, ngồi phệt xuống ghế, nước mắt tuôn ra đầm đìa trên khuôn mặt khắc khổ:
“Chị Cả ơi, cháu Lan ơi, sao khổ thế này!”
Chú khóc được chừng một phút, dừng lại, quay sang Long:
“Mày nói rõ cho tao nghe, làm sao mày biết tin này?”
“Thằng Nhiên nó cho con biết, nó hiện đang ở bên đảo”
“Sao? Thằng Nhiên nó vừa về Việt Nam, sao bây giờ nó lại ở bên đảo?” Chú Vượng hỏi.
“Dạ...dạ...nó mới vượt biên.” Long ngập ngừng trả lời.
-----
Long và Nhiên là hai người bạn thân, học cùng trường và đi du học cùng một lúc . Hơn nữa cả hai ông bố đều mang cấp bậc Trung Tá và cùng ở trong cư xá sĩ quan Chí Hòa.
Năm 1972, trong khi Việt Nam chìm đắm trong cảnh máu lửa, Long và Nhiên hồn nhiên rời quê hương để du học xứ người. Long học tại San Jose còn Nhiên học ở San Francisco. Lúc rảnh rỗi, hai đứa gặp nhau cho đỡ cô đơn.
Mặc dù là con của sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Long và Nhiên đã bị dụ dỗ vào những phong trào phản chiến làm lợi cho giặc. Lúc mới đến Mỹ, khi cả hai còn ngơ ngáo nơi xứ người, bọn việt cộng đã hết lòng giúp đỡ Long và Nhiên. Vì thọ ơn, cả hai đã gia nhập phong trào phản chiến tuyên truyền cho chúng từ lúc nào mà không biết.
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trong khi miền nam bị bức tử, Long và Nhiên vui mừng cho rằng hòa bình đã có trên quê hương Việt Nam. Lòng yêu nước của hai người trẻ tuổi dâng cao tuyệt đỉnh: ta sẽ về xây dựng lại quê hương.
Khi gia đình chú Vượng đến trại tỵ nạn Camp Pendleton ở nam Cali, chú có nhờ Long bảo lãnh. Khi gặp Long, chú rất vui mừng vì nghĩ rằng với tình ruột thịt sẽ giúp chú không bị khó khăn về ngôn ngữ. Nào ngờ khi gặp Long, chú đã bị thằng cháu lên lớp là đồ phản quốc bỏ nước ra đi. Chú Vượng tức giận muốn đấm vào mặt thằng cháu hổn láo và ngu si đó. Chú chỉ mặt Long mà nói rằng:
“Cái thằng bất hiếu kia, mày có biết ông bà mày bị cái lũ quỷ sứ đó đấu tố cho đến chết không? Tao với bố mày thoát chết trong đường tơ kẽ tóc mà bây giờ mày lại đi nối giáo cho giặc? Bố mày đang bị chúng cầm tù chưa biết sống chết ra sao đó!”
Long như bị bùa mê, chẳng nghe được những gì chú Vượng nói, lại một mực đòi về xây dựng quê hương. Sau khi ra trại, Long có đến thăm nhiều lần, nhưng mỗi lần đến thăm, sự xung đột giữa chú và Long càng lúc càng gay cấn. Sau cùng chú đã đuổi Long ra khỏi nhà và tuyên bố không nhìn thằng cháu ngu si này nữa.
-----
Sau khi tốt nghiệp bốn năm đại học, Nhiên đã hăm hở lên đường về nước sau khi qua Pháp. Long còn kẹt chưa tốt nghiệp nên ở nán lại, lòng nôn nóng ráng học cho xong năm cuối cùng. Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản bắt đầu xuất hiện ở các thành phố lớn càng lúc càng đông, nhưng Long không giao thiệp với ai vì cho rằng những người tỵ nạn là cặn bã không đáng làm quen.
Rồi một ngày...sau khi tan học trở về nhà trọ, Long nhận được một bức thư. Nhìn bề ngoài bức thư trông rất lạ, nhưng chữ viết lại rất quen thuộc, người gửi Nguyễn Tứ Nhiên, nơi gửi Thái Lan...
Long hết sức ngạc nhiên vội mở ra đọc:
-
Songkla, Thai Lan. Ngày...
Long thân,
Tao biết mày hết sức ngạc nhiên khi nhận bức thư này. Chính tao cũng không ngờ tại sao tao ra nông nỗi như vậy!
Điều đầu tiên tao muốn nói là mày đừng nên về, tao chỉ sợ mày lại làm một việc ngu xuẩn như tao.
Năm trước, khi về đến Sài Gòn, tao ngạc nhiên vì cảnh vật điêu tàn so với ngày xưa. Tuy nhiên tao tự nhủ, có lẽ vì chiến tranh quá lâu, đất nước dĩ nhiên bị tàn phá, vì lòng yêu quê hương tao cảm thấy một nỗi xót xa, tự nhủ rằng: mình phải lo xây dựng lại.
Khi về đến Sài Gòn, tao hăm hở muốn về thăm gia đình, đồng thời bắt tay vào việc ngay để giúp ích quốc gia, nhưng phải bảy ngày sau tao mới được về thăm nhà bởi vì nhà nước phải kiểm tra lý lịch, khổ nỗi tao là con của “sĩ quan Ngụy” nên thủ tục hơi lâu. Họ sợ tao làm việc cho CIA. Họ cứ hỏi: tại sao tao trở về? Sau này tao mới biết là ai cũng muốn ra đi, trở về là một chuyện bất thường, họ không tin vào lòng yêu nước của tao.
Sau khi bố tao trình diện học tập, nhà nước đã đuổi gia đình mẹ và em tao ra khỏi cư xá sĩ quan Chí Hòa. Gia đình của mày cũng bị vậy. Hiện giờ mẹ tao đang ở nhà ông bà ngoại tao. Khi bước vào nhà, mẹ nhìn tao trân trối, nét mặt của bà tao không biết diễn tả ra sao: mừng, ngạc nhiên, hốt hoảng và sau cùng tức giận. Tao không thể nào quên được khi bà vừa dậm chân, vừa hét lên những lời sĩ vả:
“Cái thằng con bất hiếu kia, mày có biết mày làm một việc ngu xuẩn lắm không? Trời ơi là trời !!!”
Mẹ tao khóc nức nở, tao ngỡ ngàng, lòng chùng xuống, muốn cãi lý với mẹ, nhưng nhìn thấy bà đau khổ và cuộc sống của gia đình quá sa sút tao không dám lên tiếng.
Sau đó mỗi ngày tao đều phải lên trình diện phường từ sáng đến trưa. Ban đầu tao tưởng họ sẽ phân công việc cho tao làm, nhưng sau đó tao mới biết là họ chỉ muốn giam lỏng để kiểm soát tao mà thôi. Bằng cấp đại học bốn năm tại Mỹ chỉ làm cho họ nghi ngờ văn minh tư bản, hơn nữa, lại là con “sĩ quan Ngụy,” càng làm cho họ nghi ngờ thêm. Cứ như thế kéo dài hai tháng, bấy giờ tao đã hiểu rõ tại sao mẹ mắng tao thậm tệ: bởi vì ngoài sự ngu xuẩn trở về để thêm gánh nặng, tao còn làm tan vỡ niềm hy vọng của cả gia đình. Nếu còn ở Mỹ, gia đình tao còn hy vọng có một hậu thuẫn khi trốn thoát. Bây giờ cả đám cá lại chui vào rọ, quả thật là ngu. Đến lúc này lòng yêu nước tràn trề của tao tan mất hết!
Bố tao và bố mày đều bị đi học tập cải tạo. Ban đầu họ nói một tháng, nhưng đã ba năm rồi chẳng thấy về mà cũng không biết chừng nào về. Mẹ tao với mẹ mày vẫn còn liên lạc với nhau, hôm nghe tin tao về, mẹ mày nóng ruột vội vã đến thăm để biết tin tức về mày. Sau khi nghe rõ sự tình, mẹ mày mừng rỡ vì mày còn ở Mỹ, nhưng sau đó lo lắng vì sợ mày dại dột về như tao.
Vượt biên, mẹ tao và mẹ mày đặt vấn đề làm tao sửng sốt. Rõ ràng tao hăm hở về nước, bây giờ lại vượt biên? Tao như bị quay cuồng trong cơn lốc của thời cuộc, bấy giờ tao mới biết mình quá khờ dại mà trước kia cứ tưởng mình khôn lắm, kể từ đó mẹ nói gì tao đều riu ríu làm theo.
Vì có kinh nghiệm với cộng sản, nên trước ngày bố mày trình diện học tập, đã dặn dò mẹ mày phải thoát đi để tìm đường sống cho con. Gia đình mày còn khá giả hơn gia đình tao, nên mẹ mày quyết định đem cả hai em của mày vượt biên. Mẹ tao không đủ tiền nên chỉ có thể cho mình tao đi thôi. Tao cảm thấy hổ thẹn vì là gánh nặng của cả nhà, nhưng vì trọng trách mẹ giao phó, tao đành gạt lệ ra đi!
Lần đầu vượt biên, chuyến đi không lọt và bị mất hết tiền, sau đó mặc dù khánh tận, mẹ tao cũng ráng gom hết tài sản cho tao đi lần thứ hai. Sau ba ngày trên biển, tàu bị chết máy, đói khát bắt đầu hành hạ, sau đó lại gặp hải tặc...
Long ơi...
Mẹ mày chết rồi...
Bọn hải tặc đã bắt em Lan và một số con gái trên tàu...mẹ mày nóng ruột nhào lên kéo em Lan trở lại, đã bị tụi hải tặc Thái Lan đá té xuống biển...
Tao không dám kể hơn vì cho đến giờ này vẫn còn thấy bàng hoàng. Tao không biết em Lan hiện giờ ra sao, còn em Hùng của mày đang ở trong trại tỵ nạn với tao. Tội nghiệp nó, tâm trí như mất hết vì mất mẹ và chị. Mày ráng bảo lãnh nó cho nhanh. Tao cố chăm sóc và an ủi nó, nhưng nó cần mày hơn tao đó.
Long ơi,
Tao mệt quá, tâm tư thật hỗn loạn. Tao hận mình quá đỗi. Tao và mày thật sự là những thằng đáng chết. Chúng mình đã bị lường gạt bởi một thiên đàng xã hội chủ nghĩa vô tưởng. Tao nói vô tưởng vì nó không có thật, hơn nữa, nơi đó tao không thấy có thiên thần mà chỉ gặp toàn quỷ dữ...
Bạn mày,
Nhiên.

No comments:

Post a Comment