Từ đầu thế kỷ trước, Phan Chu Trinh đã nói đến công cuộc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho Việt Nam. Đến hôm nay và có thể là một thời gian dài sau này, riêng chuyện dân trí chắc sẽ còn tốn nhiều thời gian và giấy mực của chúng ta.
Không ít lần,
bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản rêu rao rằng: Việt Nam dân trí
chưa cao để có thể có dân chủ; vì vậy, đảng và nhà nước cộng sản cần cai trị
thêm, chờ khi nào dân trí đủ cao thì họ sẽ tự động thay đổi hệ thống chính trị
và dân chủ hóa.
Thời gian chờ
đợi này có thể là năm mươi năm hoặc một trăm
năm? Đây chắc chắn không phải chỉ là lời
chống chế cho sự cầm quyền bất xứng, không chính đáng và dai dẳng của đảng cộng
sản lên hơn chín chục triệu dân Việt Nam; mà nó có thể còn là suy nghĩ chân
thành và thiện chí của nhiều người có học Việt Nam. Chưa có dân trí cao thì
chưa thể có dân chủ?!!
Và với nền
giáo dục ngăn cản tự do, sáng tạo và đang ngày càng lụn bại như tại Việt Nam
thì còn lâu trình độ tri thức của người dân Việt Nam mới có thể sánh kịp các quốc
gia như Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí là Thái Lan…Vậy thì đảng cộng sản sẽ tiếp
tục ở đây, ngay trên đầu chúng ta trong một vòng định mệnh lẩn quẩn: độc tài
-> dân trí thấp, dân trí thấp -> độc tài?!
Tất nhiên,
tri thức là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước một cách toàn diện
và vững chắc. Chính tri thức cũng là yếu tố củng cố nền dân chủ. Tri thức giúp
người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, am hiểu luật pháp và có những phản ứng
hữu hiệu cho các chính sách quốc gia hoặc những thực hành chính trị của nhà cầm
quyền. Tri thức và sự sáng tạo cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế, sự
hòa nhập của quốc gia vào cộng đồng quốc tế trong mọi lĩnh vực để người dân được
sống ngày một thịnh vượng và có uy tín trên trường quốc tế hơn. Không ai có thể
phủ nhận vai trò của trình độ tri thức đối với tiền đồ một quốc gia.
Nhưng chúng
ta đang nói đến dân trí. Dân trí phải chăng đơn giản chỉ là trình độ tri thức của
người dân, là chỉ số có thể đo lường được thông qua con số người có bằng cấp
cao, tốt nghiệp những đại học danh tiếng? Chúng ta hãy cùng nhau dành thời gian
để suy nghĩ về mệnh đề: “Dân thấp thấp thì chưa thể có Dân chủ”. Ấn Độ năm 1947
khi giành được độc lập, dân trí có cao hơn Việt Nam bây giờ không? Miến Điện
hay Cambodia đã bắt đầu con đường dân chủ hóa có dân trí cao hơn Việt Nam
không? Nếu các bạn lưỡng lự, thì chúng ta có thể cần nhiều thời gian hơn nữa
trước khi đưa ra bất cứ khẳng định một cách khoa học nào về chuyện Dân trí -
Dân chủ.
Theo thiển ý
của người viết bài này, dân trí không chết cứng trong cái nội hàm “tri thức”.
Dân trí là một tập hợp những điều kiện thuộc về não trạng và văn hóa nhiều hơn
là tri thức. Dân trí cao không phải là tỷ lệ cao những người có học và có bằng
cấp cao mà là các yếu tố thuộc về nhận thức (chứ không phải tri thức) có thể
chi phối hành động và phản ứng của người dân trong mối quan hệ của họ với nhau
và của họ với chính quyền.
Ví dụ, những
người có học hành nhiều chưa chắc là những người có hành xử văn hóa. Trong cách
dùng thông dụng do những người cộng sản hiện nay áp đặt, người có bằng cấp cao
thì được gọi là người có trình độ văn hóa cao. Nhưng thực tế, những hành xử văn
hóa không phụ thuộc nhiều vào việc người ta có học nhiều hay không, mà phụ thuộc
vào nền tảng đạo đức từ môi trường gia đình - xã hội, những quy tắc hành xử phổ
biến trong xã hội và nhận thức của chính người đó về các giá trị công bằng, bác
ái, tự do và công lý; để rồi từ đó có nhận
thức đạo đức cơ bản và hành xử luân lý tương ứng.
Một người đàn
anh đáng kính của tôi từng chia sẻ: Dân trí là chỉ số để đo (và luôn tỷ lệ nghịch
với) mức độ thờ phụng quyền lực các loại.
Người dân thờ phượng quyền lực chính trị, trí thức thờ phượng một trí thức tên
tuổi khác… Người viết tạm thời đưa ra vài đặc điểm dưới dây mà tôi xem như là
biểu hiện của một nền dân trí cao:
- Người dân
và đặc biệt là giới trí thức không/ ít sợ hãi và tôn sùng quyền lực, dù đó là
quyền lực chính trị, kinh tế, học thuật hay tôn giáo. Người dân không xem những
người cầm quyền chính trị là những người có vị thế ưu thắng tuyệt đối và bất khả
xâm phạm. Đối với họ, các vị trí lãnh đạo quốc gia là có thể thay đổi được, dựa
trên ý chí của chính người dân; và các vấn đề to lớn của quốc gia không phải là
sân chơi riêng của những người ở “tầng lớn trên”.
- Giới trí thức
không/ ít khao khát quyền lực chính trị. Họ không xem việc nắm quyền chính trị hoặc
hưởng lợi nhờ quyền lực chính trị là mục tiêu hoặc là biểu hiện thành công của
sự nghiệp mình. Tất nhiên tham chính và lãnh đạo quốc gia không phải là điều xấu
nhưng đó không phải là cách duy nhất khiến một người có được vinh quang, sự
khen ngợi và công ích xứng đáng. Trí thức đặt mình vào một vị thế còn quan trọng
hơn, đó là giám sát chính trị, đề nghị chính sách quốc gia và phục vụ người
dân.
- Người dân
có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày và các mối
quan hệ với cộng đồng thông qua các hoạt động tự lập và tự quản, không viện đến
sự xử lý của chính quyền nếu chưa cần thiết. Những sự phụ thuộc nhỏ lẻ vào
chính quyền cho thấy ở họ tâm lý lệ thuộc thực chất còn lớn hơn nhiều.
- Người dân có
xu hướng tôn trọng hạnh phúc và tự do của từng cá nhân con người; đề cao tự do
và phẩm giá con người với tư cách từng cá nhân cụ thể; dù trân quý những hy
sinh của cá nhân cho cộng đồng nhưng không coi sự hy sinh của cá nhân cho tập
thể là giá trị luân lý bắt buộc.
- Người dân có
xu hướng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình và tinh thần khoan dung,
không đề cao vũ lực và không/ít bị kích động bởi khuynh hướng bạo lực. Và họ có
khả năng đề kháng tương đối đối với những hô hào mị dân về chủ nghĩ dân tộc cực
đoan.
- Người dân có
ý thức về lợi ích của sự hợp tác và có khả năng xây dựng đồng thuận một cách
lành mạnh và tuân thủ luật pháp để hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vấn
đề cộng đồng và quốc gia. Nếu mệnh lệnh tùy tiện và độc đoán là đặc trưng của
những xã hội bán khai từ thời xa xưa của
nhân loại thì khả năng tạo đồng thuận và hợp tác là kỹ thuật đặc biệt của những
cộng đồng văn minh của thế giới hôm nay.
- Người dân
giữ được sự bình tĩnh tương đối, khả năng hành động tương hỗ và sự thượng tôn
luật pháp khi cộng đồng hoặc quốc gia lâm vào những tình huống khẩn cấp như
thiên tai, chiến tranh, tội phạm. Họ có khả năng ứng phó một cách khoa học, lý
tính trong những trượng hợp đó.
- Người dân
có khả năng tư duy và phán đoán độc lập, không/ ít tôn sùng biểu tượng, không
đeo bám cứng nhắc những giáo điều hay chủ thuyết nhất định. Bởi theo logic tâm
lý, khi người dân quá tôn sùng biểu tượng thì
trong tâm lý của họ không có điều gì khác hơn ngoài việc người ta cũng
muốn trở thành biểu tượng nếu có cơ hội. Tâm lý tôn sùng biểu tượng càng mạnh
thì sự hãnh tiến khi nắm được địa vị ưu thắng càng lớn. Đây cũng có thể được xem là một khía cạnh
của sự thờ phượng quyền lực.
Sau khi xem
xét xong những điều trên đây, chúng ta gần như có thể trả lời được câu hỏi: Vì
sao ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài nhưng hầu như có
rất ít người trong số những con người bằng cấp đầy mình ấy có đủ can đảm để dấn
thân cho dân chủ và đóng góp cho cộng đồng xã hội.Những người kiến thức sâu rộng
ấy cũng vô cùng sợ hãi và thiếu trách nhiêm giống như bao người thất học khác,
vì kiến thức không giúp họ trở nên can đảm, bớt lệ thuộc quyền lực và sốt sắng
nhận lãnh trách nhiệm cộng đồng.
Bởi vậy nhiều
con cái các gia đình cán bộ cộng sản cấp địa phương cũng như cấp quốc gia du học
và trở về, nhưng cái họ đang và sẽ trở thành không phải là điều gì khác hơn
ngoài những “ông bà độc tài con”. Vấn đề là ở chỗ nhận thức về chính trị - xã hội
và kỹ thuật tổ chức cuộc sống chung trong một cộng đồng văn minh chứ không phải
là việc có nhiều bằng cấp hay không.
Như tôi đã từng
chia sẻ, giải thể một chế độ độc tài để bắt đầu con đường dân chủ hóa tuy khó
nhưng còn dễ hơn rất nhiều so với công cuộc xây dựng dân chủ hậu độc tài. Và
tri thức, khi đó sẽ đóng vài trò rất quan trọng; nhưng nếu chúng ta không thể bắt đầu ngay bây giờ
thì ngày mai chẳng có gì xảy ra cả. Ngay chính trình độ tri thức của người dân cũng
ngày càng thoái hóa dưới chế độ độc tài chứ chưa nói là nó có cơ hội để đóng
góp xây dựng dân chủ hay không. Bởi vì chính dân chủ và sự tự do hiến định
trong một nền dân chủ xứng đáng cũng góp phần quyết định nâng cao trình độ tri
thức của người dân.
Trong một buổi
nói chuyện dành riêng cho Hội PNNQVN, ông Ngô Nhân Dụng đã chia sẻ: Bạn không
thể nói tôi không biết bơi vì vậy tôi không dám xuống nước. Vì nếu bạn không xuống
nước, bạn sẽ không bao giờ biết bơi cả. Và cũng xin dùng lời hữu lý trên để kết
thúc bài viết này trong tâm tình mong muốn tiếp thu nhiều chia sẻ hữu ích hơn từ
các bạn trẻ Việt Nam.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ,
7/11/2014
No comments:
Post a Comment