Nhiều người trẻ tuổi, người sống trong nước hay có những người sống ở hải ngọai (thậm chí nhiều người bà con của gia đình tôi) vẫn không hiểu lý do tại sao mà nhiều người ở hải ngoại yêu cờ vàng. Tôi xin dành chút thời gian giải nghĩa lý do của tôi và tôi cũng dám chắng chắn là lý do của tôi không khác gì những lý do mà người Việt Nam đang lưu vong tại nước ngoài.
Sau 30/4/1975, cờ vàng ba sọc đỏ không được tự do tung bay trên lãnh thổ Việt Nam, dù rằng lá cờ vàng không phải chỉ của VNCH (Việt Nam Cộng Hòa), nhưng lá cờ vàng là lá cờ của VN có trước VNCH, có trước ngày Hồ Chí Minh đem chế độ Cộng Sản vào Việt Nam vào thập niên 1930. Dù khác nhau ít nhiều về kiểu mẫu, nền lá cờ vàng đã được bà Trưng bà Triệu dùng khi đánh đuổi bọn ngoại xâm cách đây gần hai nghàn năm về trước.
Ý nghĩa của lá cờ vàng có đúng hay không, tôi chỉ đọc trong sách vở. Nền lá cờ vàng, tượng trưng cho da người VN. Ba sọc đỏ tượng trưng cho ba dòng máu, Bắc, Trung, Nam. Ý nghĩa như vậy tôi thấy lá cờ vàng ba sọc rất là hay.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 8 tháng 7 năm 1983, tôi đang ở trên "con cá con" (tàu nhỏ) sau khi tắc xi khoảng 15 con gà (người đi vượt biên) từ bờ đê ra "con cá lớn" (tàu dùng đi vượt biên). Tôi đang xửa soạn quành lại bờ đê để tắc xi thêm gà ra cá lớn. Tôi nghe tiếng súng nổ từ trong ấp thì có một anh thanh niên đang đứng trên con cá lớn cần tay tôi và kéo tôi lên trên boong tàu. Anh ấy la cho tôi ngồi xuống vì tàu phải rời gấp. Anh ấy chạy về phía trước kéo neo la cho anh tài công nổ máy rời đi cho nhanh. Tôi chả biết ngồi đâu nên ngồi sát bên một đống lưới ngay trên boong tàu. Tôi quay lại nhìn về phía bờ đê, tôi nhìn thấy còn nhiều gà vẫn còn trên bờ đê. Tôi không biết số phận mấy con gà đó ra sao.
Đi được hơn 20 phút thì có một anh thanh niên trên tàu bắt tất cả mọi người còn đang trên boong tàu xuống dưới hầm tàu. Vì tôi ngồi gần một đống lưới tôi nép người tôi vào đống lưới nên anh thanh niên đó không thấy tôi. Chỉ có một mình tôi ngồi trên boong tàu, trời hôm đó có trăng nên tôi thấy mập mờ những con tàu khác đang thả lưới bắt cá. Dòm lên cabin của tàu thì tôi thấy anh tài công hai tay ôm vào cái vô lăng lắt léo con tàu theo dòng nước. Tôi cũng thấy hai ba bóng người ngồi đàng sau anh tài công. Một thời gian sau, có thể một hay hai tiếng đồng hồ, tàu của chúng tôi bị một con tàu khác soi đèn pha và nói trên loa ra lệnh bắt tàu chúng tôi dừng lại. Vội vàng tôi lại nằm ghì xuống sát bên đống lưới. Cùng lúc thì có tôi thấy mấy anh thanh niên ra khỏi cabin vội vàng chạy trên boong tàu, người này chỉ trỏ bảo người kia kéo lưới ra để bắt sắp xửa thả lưới. Thấy tôi nằm sát đống lưới, anh thanh niên ấy giả bộ kéo đống lưới phủ trên người tôi và lấy chân anh ấy đè tôi nằm sát xuống boong tàu. Nhìn qua lỗ lưới tôi thấy một chiếc tàu khá lớn đậu kế bên ghe của chúng tôi. Tôi nghe có người hỏi:
“Tàu đang đi đâu?”
“Dạ, tàu chúng tôi có phép đi đánh cá 5 ngày.” Một anh thanh niên trên tàu tôi trả lời.
“Trên tàu bao nhiêu người, có con nít hay đàn bà không?”
“Dạ có 8 người, vợ con để ở nhà hết, có mấy anh em tụi tôi đi đánh cá thôi.”
“Không phải tàu đi vượt biên phải không?”
“Dạ không.”
“Ừ, vậy đi đi.”
Người thanh niên đó giơ tay chào rồi ngoắc tay cho anh tài công rồ máy đi. Tàu chúng tôi chưa kịp rồ máy chạy thì chiếc tàu kia rồ máy chạy đi mất. Anh thanh niên ấy đi ra đàng sau rồi ngồi gần bên anh tài công nhưng con mắt vẫn nhìn về phía con tàu đang bỏ đi. Tôi cũng nhìn về phía con tàu đó tôi thấy trên con tàu có lá cờ đỏ sao vàng, tôi đoán là tàu của Hải Quân Cộng Sản.
Trời bắt đầu mập mờ sáng, nhìn xa xa tôi thấy tượng Chúa Giêsu trên núi Vũng Tàu, thì tôi mới biết là chúng tôi mới ra tới của biển Vũng Tàu. Ghe chúng tôi từ từ tiến xa ra biển, và tượng Chúa Giêsu từ từ nhỏ đi. Khoảng hai tiếng sau đó thì tôi thấy bị say sóng và nằm lì duới đống luới và ngủ từ lúc nào không biết. Tự nhiên thì tôi bị anh thanh niên kéo tôi dậy và nói tôi đi xuống hầm tàu. Nhìn lên trên cabin con tàu chúng tôi thì tôi thấy lá cờ đỏ sao vàng, tôi hỏi anh thanh niên đó là chúng mình bị bắt rồi hả? Biết là tôi nhìn thấy lá cờ, anh ấy nói là không bị bắt, nhưng sau khi bị soi đèn pha, anh tài công muốn chiếc tàu treo cái lá cờ đó trước khi ra khỏi cửa Vũng Tàu. Anh thanh niên ấy bắt tôi xuống hầm tàu ngay. Nhìn chung quanh thì tội chỉ thấy nước, nhưng nhìn về phía sau con tàu thì tôi vẫn thấy tượng Chúa Giêsu, nhưng rất nhỏ trên ngọn núi. Đó là hình ảnh Viêt Nam cuối cùng của tôi.
Trước khi tôi xuống hầm tàu tôi thấy anh thanh niên đó leo lên trên ca bin, anh ta lấy cái cờ đỏ sao vàng xuống và liệng nó xuống dưới biển.
Sáng ngày thứ 2, có hai anh thanh niên đưa nước và đồ ăn cho mỗi người. Mỗi người được một gói mì và một ly nước. Ly nước là cái nắp của cái canteen mà lính thường mang bên hông người đó, khoảng chừng 10ml. Buổi chiều thì hai anh thanh niên chỉ cho mỗi người một ly nước. Sau khi mấy anh thanh niên cho đồ ăn, mấy anh ấy thường cho một số người ra khỏi hầm tàu để cho khỏi bị ngộp.
Tôi được lên trên boong tàu. Ra khỏi hầm tầu, nhìn thấy nước mà tôi thấy run sợ. Nước thì đen thui, chung quanh chỉ có nước với trời. Ngồi không được bao lâu, có anh thanh niên nói với chúng tôi rằng, anh tài công có nói, có thể chiều nay mình sẽ đi tới gần khu đảo Côn Sơn, nên ai cũng phải xuống hầm tàu. Nhìn lên phía cabin thì tôi thấy anh tài công đang lái chiếu tàu, còn một nguời nữa nhìn vào cái ống nhòm bên tay phải của chiếc tàu. Anh ta nói gì vói anh tài công tôi không nghe được. Anh tài công cầm cái ống nhòm, và để anh khác cầm cái vôlăng. Nhìn một hồi anh ta ra lệnh cho tất cả người chui xuống hầm. Chúng tôi nghe máy rồ lớn hơn và con tàu đi nhanh hơn. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nghe máy rồ nhỏ lại và có anh thanh niên xuống hầm nói với chúng tôi rằng:
“Vừa rồi có một chiếc tàu, đuổi theo tàu mình, nhưng không phải tàu hải tặc mà tàu Việt Nam, tại vì trên tàu có treo cái cờ đỏ sao vàng. Nên anh tài công bỏ chạy, tụi nó đuổi không kịp nên bây giờ tàu đi chậm lại. Ngày mai thì mình sẽ đi ra khỏi khu đảo Công Sơn, nên từ bây giờ đến ngày mai khi chúng tôi thấy tàu là chúng tôi sẽ tránh, nhất là mấy chiếc tàu treo cờ đỏ sao vàng. Cho nên khi ông bà anh chị nghe máy chạy nhanh là vì chúng mình bị rượt, nên tất cả phải ngồi yên.”
Gần chiều tối, chúng tôi lại thấy tàu rồ máy chạy nhanh, không ai ra khỏi hầm tàu, chúng tôi đoán là tàu chúng tôi lại bị tàu có cờ đỏ sao vàng đuổi.
Vào sáng ngày thứ 3, chúng tôi được chỉ được môt ly nước và 3 người một gói mì mỗi ngày.
khoảng 10 giờ sáng tôi có nghe một người nói là ở đàng sau tàu có một đứa bé chết và đã bỏ xuống biển.
Khoảng 1 giờ trưa,chúng tôi nhìn thấy một chiếc trực thăng bay vòng quanh tàu chúng tôi. Chiếc trực thăng đó chớp đèn đỏ và bay đi một hướng khác. Tàu chúng tôi chạy theo hướng của chiếc trựng thăng đó. Một tiếng sau, chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu chạy về hướng chúng tôi. Ai trên tàu cũng vui mừng vì nghĩ là chiếc trực thăng đó đã cho người ra vớt chúng tôi. Nhưng chiế tàu đó né tàu chúng tôi. Tôi nhìn thấy mấy người trên chiếc tàu đó dùng ống dòm để nhìn về phía chúng tôi. Chiếc tàu đó chạy chậm lại và rất gần tàu của chúng tôi. Tàu của chúng tôi chạy theo tàu ấy, nhưng khoảng một tiếng sau thì chiếc tàu đó rồ máy và chạy đi. Nhìn thấy mấy cái ống khói của chiếc tàu đó là chúng tôi biết chiếc tàu đó không vớt chúng tôi. Sau đó chúng tôi nhìn thấy nhiều tàu lớn chở hàng, nhưng không thấy ai ngừng lại cứu vớt chúng tôi. Chúng tôi biết là chúng tôi đã đi tới hải phận quốc tế, nên chúng tôi thấy an toàn hơn vì chúng tôi sẽ không bị Hải Quân Cộng Sản Việt Nam bắt nữa.
Nhưng anh tài công có ra lệnh bảo chúng tôi là nếu anh tài công thấy tàu nhỏ Thái Lan anh ta sẽ không dừng lạ, lý do là anh sợ cướp Thái Lan. Đúng như anh tài công nói, ngày hôm sau, chúng tôi bị một chiếc tàu nhỏ rượt theo chúng tôi. Anh tài công ra lệnh cho ghe chúng tôi chạy nhanh, và bắt người đàn ông lên trên boong ghe. Cùng lúc anh tài công cầm một cái súng, theo tôi thấy thì cái súng đó dài khoảng chừng gần 2 mét, anh ta để cây súng đó trên vai, như vác nó vậy. Anh tài công leo lên trên nóc của cái ca bin, đứng như kiểu người vác súng đề sẵn sàng bắn vào chiếc tàu đang đuổi ghe chúng tôi. Nửa tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi thấy ghe chúng tôi xa hơn con tàu kia khá nhiều, theo tôi đoán là chiếc tàu đó không còn đưổi theo ghe chúng tôi nữa. Sau này chúng tôi mới biết là cây súng anh thanh niên cầm đó là một cây súng dùng để dùng bắn xe tăng, nhưng nó chỉ là cái vỏ thôi. Có thể cây súng đó đã cho chúng tôi thoát được bọn cướp Thái Lan.
Sau 4 ngày rời khỏi VN, ghe chúng tôi gặp rất nhiều tàu chở hàng trên mỗi chiếc tàu đó có treo lá cờ theo tùy quốc gia. Chúng tôi treo trên ghe chúng tôi một cái cờ trắng có chữ SOS, mỗi lần thấy tầu nào là anh thanh niên leo lên tren nóc của cabin phất cái lá cờ trắng đó, nhưng luôn bị thất vọng.
Ngày thứ 5, chúng tôi không có đồ ăn, nhưng mỗi người chỉ được một nửa ly nước. Anh thanh niên mang nước cho chúng tôi có nói là trên tàu không cò đồ ăn nhiều, chỉ còn có khoảng 200 gói mì, mà trên ghe chúng tôi có 184 người, nên chỉ đủ cho mỗi người một gói thôi. Nên hôm nay chúng tôi chỉ có nước, không có đồ ăn, bắt đầu từ ngày mai, bốn người một gói mì.
Khoảng trưa ngày thứ 5, tàu chúng tôi gặp một chiếc tàu chở hàng, tàu này đi rất gần ghe chúng tôi và đi rất chậm, hình như tàu này muốn ngừng lại để cho ghe chúng tôi đi theo tàu này. Anh thanh niên cầm cái cờ SOS phất như điên vì có lẽ anh ta thấy mừng vì chưa có chiếc tàu nào đi gần như vậy mà còn chậm lại nữa. Tự nhiên có một người trên ghe la lớn:
“Tàu này là tàu của Nga Xô, chạy đi đi, đừng cho tụi nó bắt.”
“Phải không vậy?” Mấy người trên tàu hỏi.
“Nó chứ ai, mấy người không thấy chữ CCCP bên hông tàu sao?”
“Có thể là không phải tàu của Nga Xô, nhưng là tàu của Liên Xô đó, cờ Búa Liềm nữa kìa, treo bên kia kìa.” Cờ Búa Liềm là lá cờ của Liên Bang Cộng Sản, bị tan rã vào cuối thập niên 80.
“Nhưng mà ghe mình không còn nhiều đồ ăn với nước, có thể nó sẽ cho.”
“Có thể tụi nó cho nhưng làm sao biết là nó không kéo tàu mình về VN?”
“Ai muốn lên tàu nó thì bơi qua đi, tôi nhất định là không qua đó hay là để nó kéo ghe mình đâu, tôi thà chết chứ không lên tàu Liên Xô.” Một người khác nói.
“Nếu đó là tàu Liên Xô thì kêu anh tài công đi đi, đứng đây, nó kéo về VN bây giờ, mình thà chết còn hơn bị tụi Liên Xô nó kéo về VN.” Cả nhóm người trên ghe bắt đầu la lên.
Anh tài công tài công nghe được như vậy nên rồ máy bỏ chạy. Nhìn về phía tàu lớn đó, chúng tôi thấy có cờ Búa Liềm, đúng như anh thanh niên kia nói. Sau này có người có hỏi anh thanh niên này tại sao anh ta biết tàu đó là của Liên Xô. Anh thanh niên này cho chúng tôi biết là anh ta đã qua bên Liên Xô đi học từ năm 1978 năm 1982.
Ghe chúng tôi tiếp tục lênh đênh biển, ghe chúng tôi gặp rất nhiều tàu nhưng không ai dừng lại giúp chúng tôi. Tàu nào đi ngang qua mấy anh thanh niên cũng phất cái cờ SOS, nhưng khi thấy chiếc tàu nào mà treo cờ “đỏ Búa Liềm” là mấy anh thanh niên dừng lại. Ai cũng nói thà là chết còn hơn là bị Liên xô kéo về lại VN.
Đêm ngày thư 6, trời tối mịt, nhưng một gói trời phía đàng trước chúng tôi rất là sáng, cái kiểu sáng như lửa vậy đó. Ghe chúng tôi tiến về phía đó. Càng đi tới thì chúng tôi mới biết là đó là dàn khoan. Khoảng 8 giờ sáng thì ghe chúng tôi mới đến gần cái dàn khoan. Chúng tôi rất vui mừng vì biết là sẽ được cứu. Có hai người nhảy xuống nước bơi vào dàn khoan. Một hồi sau, hai người được buộc dây thả xuống ghe chúng tôi và hai người đó nói là dàn khoan sẽ không vớt ghe chúng tôi, nhưng sẽ được dàn khoan cho lương thực đầy đủ và dầu cho máy ghe để đến Mã Lai trong 24 đến 36 tiếng đồng hồ. Dàn khoan còn cho một cái đại bàn và cho mấy anh tài công biết đi hướng nào để đến Mã Lai.
Sáng sớm khoảng 4 giờ sáng tôi thức dậy và leo lên trên boong tàu để coi có thấy đất liền không. khoảng 5:30 sáng tôi nhìn thấy mấy cái đảo nhỏ nên tôn leo xuống hầm tàu. Khi tôi ngồi lại chỗ cũ để đánh thức đứa trẻ khoảng chừng 13 tuổi như tôi, nhưng tay đứa trẻ đó lạnh ngắt. Tôi không dám lên tiếng vì lúc đó trong hầm tàu còn rất tối. Khi đủ ánh sáng chiếu suống hầm tàu, tôi nhìn đứa trẻ đó thì tôi biết nó đã chết từ lúc nào tôi không biết. Lạ một cái nữa là bố đứa trẻ đó cũng đã chết luôn từ lúc nào chúng tôi không biết. Không ai trên tàu biết hai người đó. Có người nghĩ là tôi có họ hàng với hai người đó vì tôi nói chuyện và ngồi gần hai người đó từ ngày đầu tiên. Chúng tôi bó hai cha con đó mỗi người một tấm nhựa và thả xuống biển.
Khoảng 11 giờ thì ghe chúng tôi thấy xa xa là đất liền và một cái đảo. Ai trên tàu cũng vui mừng vì biết rằng ghe chúng tôi sẽ đến Mã Lai. Ai trên ghe cũng xôn xao, nhiều người trên ghe bàn thảo là ghe sẽ tới Mã Lai nhưng biết đến chỗ nào? Ai sẽ là người đứng ra để gặp người Mã Lai để cho Mã Lai biết là ghe chúng tôi là ghe và là người tỵ nạn Cộng Sản. Ai cũng nôn nao, thì một trong mấy anh tài công nói với chúng tôi rằng, ghe sắp sửa tới Mã Lai, nhưng không ai biết là mình sẽ đến đâu, và gặp ai, liệu người mình gặp có biết là ghe mình là người tỵ nan không, nên bà con cứ ngồi im bình tĩnh, để khỏi bị nguy hiểm cho ghe.
Gần lúc đó thì ghe chúng tôi đi gần tới một cái đảo nhỏ. Tuy rằng đây là hòn đảo nhỏ, nhưng cũng là một miếng đất đầu tiên ghe chúng tôi gặp trên 7 ngày. Nhiều người trên ghe nói với anh tài công rằng đừng vô bất cứ đảo nào hay chỗ nào nếu không thấy người ở đó.
Trong lúc phân vân như vậy, ghe chúng tôi tiến về phía đất liền, nhưng ai cũng ngước mắt nhìn tới cái đảo. Khi ghe chúng tôi đi gần tới phía trước của cái đảo thì chúng tôi thấy người trên đảo vẫn tay, nhiều người còn ngoắc ghe chúng tôi vào, như vì quá xa nên chúng tôi không nghe được tiếng nói của người trên đảo nói gì. Nhìn thấy người trên đảo, chúng tôi không biết những người này là ai. Có người trên ghe chúng tôi nói là đảo này giống đảo của mọi nên đừng có đi vào. Đợi tới đất liền đã. Bỗng nhiên ai có người trên ghe chúng tôi la lớn rằng.
“Ghé vào đảo này đi, đó là người Việt Nam trên đảo đó.”
“Đừng ghé vào, mấy người mọi chứ người Việt Nam gì đâu mà ai cũng đen thui mà không thấy ai mặc áo gì hết. Ai cũng ở trần kìa.”
“Nhìn về phía kia kìa, có phải cờ vàng ba sọc đỏ không vậy?.”
Đúng như vậy, trên đảo trên một nóc nhà có cây thánh giá và kế bên đó là một cái cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ đang bay phất phới. Không ai trên tàu còn đòi đi tới đất liền nữa, anh tài công từ từ lái chiếc ghe vào tới đảo. Lá cờ vàng đó là tín hiệu để cho chúng tôi biết là chúng tôi đã thoát nạn cộng sản và chúng tôi đã đến bến bờ tự do. Ai cũng vui mừng vì đó là tín hiệu mà chúng tôi tìm kiếm trên con đường tìm tự do.
Ghe chúng tôi cập vào đảo tỵ nạn Pulau Bidong ngày 15 tháng 7 năm 1983 và ghe chúng tôi được mang số PB956. Con số thứ tự mỗi chiếc ghe được cho khi tới đảo Bidong. Cái nhà có cây thánh giá là nhà thờ công giáo và kế bên là cái đài tưởng niệm. Gần đó có một cái cột cờ treo lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chúng tôi dám chắc rằng không phải chỉ có ghe chúng tôi nhìn thấy lá cờ đó là tín hiệu tự do mà có biết bao nhiêu ghe vượt biên khác khi đi tìm tự do khi đi tới đó cũng có cảm tưởng như vậy. Cái cờ vàng ba sọc đỏ là tín hiệu cho chúng tôi biết là nơi đó là nơi tự do, nơi đó là nơi an toàn cho chúng tôi. Nơi mà bất cứ con tàu vượt biên trốn nạn cộng sản Việt Nam sẽ cập vào dù rằng cái đảo trông rất nhỏ và cái đảo đó giống như một cái đảo hoang. Cái đảo mà đường khính của nó chỉ khoảng 2 cây số.
Ai trên ghe cũng biết rằng khi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ trên đảo là biết đó là sự sống lại trong 7 ngày trên biển. Cờ vàng trên đảo đó là tự do. Nếu như chúng tôi thấy cờ đỏ sao vàng bay trên hòn đảo thì chắng là không ai cho anh tài công ghé vào, dù rằng sau 8 ngày trên biển chúng tôi sẽ không ghé vào vì cái cờ đỏ đó chỉ là mang lại sự chết cho chúng tôi.
Đó là ấn tượng của chúng tôi, cờ vàng ba sọc đỏ là chúng tôi tin tưởng và nhất định đi tới vì biết đó là tự do. Thấy lá cờ đỏ sao vàng là chúng tôi bỏ chạy, và đến ngày hôm nay, biết bao nhiêu người vẫn còn bỏ chạy.
-Nguyễn Tỵ Nạn.
*** Vì thời gian đã lâu, và lúc đó tôi còn nhỏ. Nếu ai đi trên tàu này, PB956, những chi tiết tôi viết không đúng, xin làm ơn cho tôi biết để tôi chỉnh lại.
-Nguyễn Tỵ Nạn.
*** Vì thời gian đã lâu, và lúc đó tôi còn nhỏ. Nếu ai đi trên tàu này, PB956, những chi tiết tôi viết không đúng, xin làm ơn cho tôi biết để tôi chỉnh lại.
No comments:
Post a Comment