Năm 19 tuổi là lúc khởi đầu tôi nếm mùi tù Cộng Sản. Tôi bị bắt giam, bị tra khảo và bị đánh đập tàn nhẫn – dĩ nhiên với những tội danh khá phổ biến “phá rối”, “phản động”. Thế nào gọi là “phá rối” khi – để cướp nhà chính bạo quyền CS đã đẩy cả gia đình tôi vào chốn rừng thiêng nước độc với mỹ từ “kinh tế mới” ?
Sau khi bố tôi bị đưa ra Bắc vào tháng 5, 1975, gia đình (mẹ và các em) tôi bị ép buộc phải đi kinh tế, thì đây là thời điểm, chúng muốn cướp nhà của gia đình tôi. Công an viện cớ chủ nhà (là bố tôi) vắng mặt, không có tên trong sinh họat phường khóm, nên chúng ngang nhiên đến niêm phong căn nhà tôi đang ở để đợi chuyển giao cho cán bộ.
Sau những lần lên xuống phường huyện để phản đối chuyện tịch thu nhà trái phép không có kết quả, tôi đã hùng dũng xé tờ giấy niêm trước cửa, vào nhà, thế là tôi bị tống vào tù hơn một tháng vì “phá rối” và “xâm phạm gia cư bất hợp pháp”.
Vì sớm để tâm vào vấn đề xã hội đất nước, với nỗi khao khát xây dựng môt đất nước văn minh, thiện đức từ thời còn trung học, nên các chính sách tù cải tạo, kinh tế mới để trả thù và tận diệt sức sống người dân miền Nam của nhà cầm quyền CS đã thôi thúc tôi … nổi loạn.
Vâng, tôi đã nổi loạn và tôi lại vào tù với tội danh phản động. Ra khỏi tù, tôi lại tiếp tục phản động, rồi lại bị bắt, rồi lại bị đánh đập …
Bị đánh đập trong tù tôi trở nên chai lì. Cái phản kháng nổi loạn trong tôi càng mãnh liệt. Mỗi tối lật áo lên, trong bóng tối của căn phòng giam, tay ấn nhẹ, lần mò, đếm thầm những vết thương trên thân thể mà lòng tan nát tự nhủ: phải can đảm, không thể ươn hèn.
19 tuổi ở tù Việt Cộng, dù lì lợm tôi cũng chỉ là một đứa con gái. Vì sự an ninh của gia đình, nên tôi đã cách ly, bỏ gia đình ra đi như một đứa con ngỗ nghịch. Tôi nghĩ đến người cha, tính tình cương trực, ở trại tù miền Bắc xa xôi, chắc cũng đang nhớ vợ con, và chắc không dám mơ … đến một ngày về xum họp. Đêm giao thừa, nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ đàn em nhỏ để rồi tấm tức khóc, không biết mẹ có hiểu cho đứa con gái đang sa vào tù ngục.
Có lần tôi được thả, tôi tìm về nhà nơi vùng kinh tế mới. Sờ những vết thẹo và những vết bầm trên người tôi, Mẹ đã ôm chặt lấy tôi khóc – khóc rất nhiều và khẩn khoản tôi đừng đi nữa. Mẹ tôi đã không biết tôi đã làm những gì để thân thể ra như thế này. Thương Mẹ, thương các em, nhưng… tôi cũng thương cả những đứa bé lê lết ăn mày trên hè phố, thương cả những người hàng xóm mất nhà đi kinh tế mới … Thế là tôi lại âm thầm ra đi.
Đã 34 năm trôi qua kể từ ngày tôi trốn thoát trại tù CS. Bây giờ tôi đã trở thành một người mẹ, có làm Mẹ mới hiểu được tình yêu con vô bờ bến của những người Mẹ.
Đọc thư của bà Nhung gửi cho Phương Uyên nước mắt tôi chảy dài. Những ngày tù tội ba mươi mấy năm về trước hiển hiện trong lòng, buốt cả tim.
Đã 34 năm trôi qua không thể làm nhạt nhòa đi những da diết cô đơn trong tù nơi lòng tôi và những tan nát này chắc chắn các em Nguyễn Phương Uyên hay Đỗ thị Minh Hạnh và các em thiếu nữ đang chất chứa trong lòng.
Dòng lệ của Mẹ, dòng lệ của con đến khi nào mới được hòa lẫn trên má trên môi ? “Hòa bình xum họp” là như thế này đấy ư khi mà cả triệu người bị chia lìa ly tán vì nhà tù Cộng sản ? Nghĩ đến tâm can của những người Mẹ đau khổ khi các cô con gái bị hành hạ đánh đập trong tù, tôi cũng muốn gào to như mẹ Phương Uyên “Lương tâm các người ở đâu ?” Rồi với vết cháy (của điếu thuốc) trên trán người Mẹ, chiếc răng gẫy của người em, chắc chắn Hoàng Vi cũng phải gào to “Lương tâm các người ở đâu ?”
Đối với tôi, tôi không đòi hỏi lương tâm của những kẻ lãnh đạo CSVN vì chúng là loài lang sói, chúng đã không còn là con người, tôi chỉ muốn hỏi những người chủ trương “sống chung với lũ”, những người đang tiếp tay đóng tiếp các kịch bản mang nhãn hiệu dân chủ một cách máy móc không suy nghĩ, “Lương tâm các người ở đâu ?”
Sẽ có thêm bao nhiêu em thanh niên thiếu nữ nữa sẽ bị tù tội như Phương Uyên, sẽ bị đánh đập đổ máu như Nguyễn Hoàng Vi, như cô em gái Nguyễn Hoàng Vi, và những thanh niên nam nữ không tên tuổi khác …? Câu hỏi này tôi sẽ tiếp tục hỏi trong những bài viết khác.
Nhân ngày Mẹ hôm nay 12-05-2013 xin gửi những nỗi niềm chia xẻ đến tất cả các bà Mẹ dân oan, các bà Mẹ đang nuôi chồng trong lao tù và tất cả các em thiếu nữ đang trong nhà tù lớn nhỏ của CSVN. Chính các em, chính các bà mẹ – là những người chiến sĩ không tên tuổi – đang tiếp tục viết những dòng sử bi tráng cho dân tộc Việt Nam.
Chúng ta không cô đơn. Chúng ta sẽ đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc, hỡi những cô gái, hỡi những bà mẹ Việt Nam.
12-05-2013
© LK Bình Minh
No comments:
Post a Comment